Phủ ceramic là gì? Có nên phủ ceramic ô tô không? Giá bao nhiêu? Phủ ở đâu?… Tất tần tật tư vấn, kinh nghiệm phủ ceramic ô tô sẽ được chia sẻ sau đây.
Một nỗi lo lắng chung mà gần như bất kỳ chủ xe ô tô nào cũng gặp phải đó là sợ bị lừa, bị chặt chém, bị chơi chiêu khi tiếp cận một phương pháp làm đẹp, chăm sóc, bảo vệ xe ô tô mới mẻ nào đó. Với phủ ceramic – một phương pháp làm đẹp xe vẫn còn khá lạ thì việc lo ngại cũng là chuyện dễ hiểu.
Nắm bắt được điều này nên team Danchoioto.vn quyết định tìm hiểu và viết một bài tổng quan nhất đồng thời chi tiết nhất về phủ ceramic cho xe ô tô, để bạn đọc có được cái nhìn chính xác nhất về phủ ceramic, cũng như có thêm nhiều kinh nghiệm nếu quyết định phủ ceramic cho xế cưng của mình.
Phủ ceramic là gì?
Ceramic còn được là gốm (hay sứ). Theo định nghĩa khoa học, gốm là nhóm vật liệu không phải là kim loại cũng không phải hữu cơ. Và “gốm” ở đây không chỉ là vật liệu đồ gốm ta thường biết, mà còn bao gồm những vật liệu như kim cương, kính, đá saphire, đá than chì… Người ta phân gốm thành 4 nhóm nhỏ. Trong đó gồm “gốm kỹ thuật hoá” và 3 nhóm còn lại là những đồ gốm ta thường dùng như bình hoa, gạch lót sàn…
Khác với 3 nhóm còn lại, “gốm kỹ thuật hoá” làm từ các vật liệu nguyên chất như carbide, oxide, nitride… Phần lớn các vật liệu này là hợp chất của kim loại với carbon, oxy, nitro… Trái ngược với suy nghĩ “gốm là vật liệu dễ vỡ”, “gốm kỹ thuật hoá” rất cứng và bền.
Phủ ceramic (hay còn gọi phủ gốm, phủ men, phủ thuỷ tinh) cho ô tô là việc phủ lên các bề mặt xe ô tô một lớp gốm ceramic. Vật liệu ceramic phủ xe ô tô thường có gốc vô cơ như titan dioxit, silic dioxit… Đây là một trong các phương pháp làm đẹp và bảo vệ xe. Mỗi bộ phận trên xe sẽ phù hợp với một loại ceramic khác nhau như: ceramic phủ sơn ngoại thất, ceramic phủ nội thất, ceramic phủ kính… nhưng phổ biến nhất là phủ sơn xe và kính.
Khi phủ ceramic cho xe, ví dụ như phủ sơn xe, lớp ceramic sẽ đóng vai trò như một màng bảo vệ sơn xe tránh khỏi các tác động từ bên ngoài. Đồng thời ceramic còn thay thế cho sáp cao cấp, giúp tạo độ sáng bóng cho bề mặt sơn xe. Lớp phủ gốm ceramic sẽ hình thành một liên kết chặt chẽ với sơn, không bị rửa trôi và rất lâu hỏng.
Tác dụng phủ ceramic ô tô
Phủ ceramic cho xe ô tô có rất nhiều tác dụng, bao gồm:
- Bảo vệ, chống tác hại từ tia UV/quá trình Oxy hoá
Một chiếc ô tô hiển nhiên khó thể tránh khỏi việc phải thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Điều này không ảnh hưởng tức thì nhưng về lâu dài sẽ khiến lớp sơn xe xỉn màu, bạc màu, nứt, bong tróc, xuống cấp… kính xe bị giảm trong, dễ nứt… Phủ gốm ceramic sẽ giúp bảo vệ sơn xe, kính xe tránh khỏi ảnh hưởng của tia cực tím mặt trời. Từ đó ngăn cản, làm chậm quá trình oxy hoá sơn xe, kính xe.
- Bảo vệ chống tác hại từ các chất ăn mòn/axit hoá
Một tác nhân gây hại khác cho sơn và kính xe ô tô đó là các chất hoá học. Hàng ngày sơn xe, kính xe phải tiếp xúc môi trường đường phố khói bụi ô nhiễm, nước mưa, sình lầy… dễ bị bám bụi bẩn, dầu mỡ… gây tình trạng axit hoá, ăn mòn… Lớp phủ gốm ceramic có khả năng kháng axit, kiềm, dung môi cùng nhiều loại hoá chất khác. Chỉ cần các chất bẩn được loại bỏ kịp thời sẽ không gây ảnh hưởng đến lớp sơn, kính xe.
- Chống bám bụi bẩn, sình lầy, chống nước mưa
Đặt tính của ceramic là đẩy nước. Khi phủ gốm ceramic, nước sẽ nổi và trượt dễ dàng, không bị đọng nước, bám nước. Điều này khiến bụi bẩn, nước mưa hay sình lầy sẽ khó liên kết với sơn xe hay kính xe.
Tính đẩy nước của ceramic đặc biệt quan trọng với kính lái. Theo đó, lớp ceramic giúp tạo “hiệu ứng lá sen”, nước mưa sẽ tụ thành dòng trôi tụt nhanh chóng trên kính, không bị đọng lại. Điều này giúp người lái có tầm nhìn thông thoáng hơn khi lái xe trời mưa.
- Hạn chế trầy xước
Như một lớp “áo giáp” bao bọc sơn xe, kính xe, lớp phủ ceramic giúp hạn chế trầy xước với những tác động như va quẹt nhẹ, lau rửa xe…
- Dễ vệ sinh
Tính đẩy nước của ceramic giúp việc vệ sinh xe dễ dàng hơn. Vì khó bám nên các chất ô nhiễm sẽ nhanh chóng trôi đi mà không cần tẩy rửa quá nhiều. Riêng kính lái, lớp phủ ceramic sẽ hỗ trợ cần gạt mưa ô tô gạt quét dễ dàng, đẩy sạch nước nhanh hơn, kính lái trong và sạch hơn.
- Sơn xe bóng hơn
Lớp gốm ceramic có khả năng tăng cường tính chất phản chiếu của sơn xe dưới ánh sáng, nên phủ ceramic sơn xe sẽ sáng bóng hơn. Ngoài ra, lớp ceramic còn có tác dụng tăng cảm giác về độ sâu và trong của sơn xe.
- Giảm chói, loá cho kính lái
Riêng kính lái ô tô, lớp phủ ceramic còn có tác dụng giảm chói, loá mắt do ánh nắng mặt trời, đèn pha xe đối diện… giúp người lái có tầm nhìn tốt hơn.
Quy trình phủ ceramic ô tô
Mỗi cơ sở phủ ceramic thường có những quy trình riêng, tuy nhiên nhìn chung vẫn có các bước chính sau đây:
Sau khi kiểm tra tình trạng xe – bề mặt chuẩn bị phủ ceramic, tư vấn giúp chủ xe lựa chọn gói phủ ceramic phù hợp, thoả thuận giá cả hoàn tất, quy trình phủ ceramic ô tô sẽ bao gồm các bước:
Bước 1 – Rửa và vệ sinh bề mặt: Rửa xe, tẩy bụi sắt – nhựa đường, tẩy bằng thanh đất sét… nhằm loại bỏ tất cả các vết bẩn trên xe.
Bước 2 – Hiệu chỉnh sơn xe (kính xe nếu có): Hiệu chỉnh sơn xe là xử lý các vết nứt, sần, mắt cá, bong tróc… trên bề mặt sơn, đánh bóng bề mặt sơn (kính)…
Bước 3 – Phủ ceramic: Dung dịch ceramic sẽ được phun bằng chai xịt hoặc quét bằng khăn chuyên dụng đều khắp bề mặt. Sau tầm 30 phút, lớp dung dịch xịt phủ bay hơi rồi cứng lại liên kết vĩnh viễn với lớp sơn (hay kính) xe tạo thành 1 lớp phủ có độ dày 1 – 5 micron.
Bước 4 – Làm khô ceramic: Sử dụng đèn sấy sơn hồng ngoại để làm khô nhanh lớp ceramic. Dùng dung dịch chuyên dụng để loại bỏ các phần ceramic thừa, sau đó lau sạch lại toàn bộ xe.
Nếu phủ nhiều lớp ceramic thì sẽ lặp lại bước 3 và bước 4 nhiều lần. Theo các cơ sở, trung tâm chuyên phủ ceramic ô tô, tổng thời gian phủ ceramic cơ bản chỉ tầm 3 – 4 tiếng.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.