Nhiệm vụ của phim cách nhiệt ô tô là phản xạ, không để các tia không mong muốn (UV, IR) xuyên qua, gây hại cho sức khoẻ của người dùng ô tô.
Ánh sáng mặt trời xuyên qua khí quyển trái đất được chia thành ba dải sóng: Ultraviolet (UV – tia cực tím ), Visible (VIS – ánh sáng nhìn thấy được) và Infrared (IR – tia hồng ngoại). Trong đó, tia cực tím chiếm 3%, tia hồng ngoại chiếm 53% và ánh sáng nhìn thấy được chỉ chiếm 44%. Dù chỉ chiếm 3% song tia cực tím gây lão hoá da, tổn thương da nếu tiếp xúc lâu dài. Tia hồng ngoại gây ra tác dụng nhiệt, tạo hiệu ứng nhà kính khi xuyên qua kính ô tô và là nguyên nhân chính gây nóng.
Cấu tạo phim cách nhiệt ô tô
Gọi phim cách nhiệt vì công dụng chính là giúp ô tô không bị nóng, hạn chế tia cực tím, tia hồng ngoại xuyên qua cửa kính. Trên mặt phim là lớp tráng phủ với nhiều loại kim loại khác nhau để lọc những dãy quang phổ khác nhau. Tuỳ thuộc theo số lượng kim loại và phương thức tráng phủ kim loại mà giá thành phim cách nhiệt khác nhau. Thị trường hiện có 4 công nghệ tráng phủ chính: Nhuộm màu (Dyed Film), Tráng phủ kim loại (Metalized Coating Film), Phún xạ kim loại (Sputted Film), Gốm Nano (Nano Ceramic).
Trong đó, phún xạ kim loại cho phép tạo ra lớp phim rất mỏng nhưng chứa nhiều kim loại khác nhau nên giữ được độ xuyên sáng tốt. Bù lại, giá thành của các tấm phim cách nhiệt sử dụng công nghệ này khá cao. Nhuộm màu là công nghệ đơn giản nhất, hiệu quả kém nhất và giá thành rẻ nhất.
Chủ phương tiện cần phân biệt các lớp tráng phủ trên bề mặt phim để chọn phim cách nhiệt phù hợp vì hiện nay mỗi nhãn hiệu phim giới thiệu công nghệ tráng phim khác nhau. Nếu không am hiểu, chủ phương tiện dễ bị rối và tốn kém chi phí cho những lời giới thiệu hay ho nhưng chất lượng không tương xứng.
Tiêu chí phim cách nhiệt ô tô
Để chọn phim cách nhiệt cho ô tô cần căn cứ theo các tiêu chí sau: VLT – Visible Light Transmission (Tỷ lệ truyền sáng, độ truyền sáng thấp sẽ chống nóng tốt hơn và ngược lại.); VLR-Visible Light Reflection (Tỷ lệ phản gương, tỉ lệ càng cao thì càng khó nhìn vào trong xe từ phía ngoài); UVR – Ultraviolet Rejection (Cản tia UV); IRR – Infrarecd Rejection (Cản tia hồng ngoại); SC – Shading Coeffcient (Tỷ lệ bóng râm); TSER – Total Solar Energy Rejected (Tổng cản nhiệt); SHGC – Solar Heat Gain Coeffcient (Tỷ lệ hấp thụ năng lượng mặt trời); Glare R – Glare Reduction (Tỷ lệ giảm chói).
Ngoài ra, tuỳ theo vị trí dán phim cách nhiệt cụ thể mà các tiêu chí trên cũng khác nhau. Đối với kính lái và kính cửa phía trước cần sử dụng những loại phim tốt nhất để đảm bảo khả năng quan sát. Cần chú ý về độ chói sáng cho kính lái đối với những xe hay di chuyển vào buổi tối để tránh bị chói loá từ đèn xe đối diện.
Kính cửa phía sau và kính hậu không cần nhiều các tiêu chí trên mà chỉ tập trung vào cản các tia không mong muốn và chỉ số tổng cản nhiệt nên có thể chọn những loại phim rẻ tiền hơn.
Hiện nay, chi phí dán phim cách nhiệt cho xe ô tô dao động từ 6 đến hơn 10 triệu đồng cho toàn bộ kính và thời gian sử dụng từ 5 năm trở lên.
Nhấn để phóng to ảnh
Có nhất thiết phải phim cách nhiệt cho ô tô?
Mặc dù không hoàn toàn triệt tiêu các ảnh hưởng có hại của ánh nắng mặt trời nhưng phải ghi nhận, phim cách nhiệt giúp giảm đáng kể tác hại của ánh nắng, hạn chế hiệu ứng nhà kính ô tô, tạo sự kín đáo cũng như góp phần giữ mát trong xe. Ở vùng khí hậu nhiệt đới nắng nóng như Việt Nam, phim cách nhiệt thật sự là trợ thủ đắc lực. Nhiều nhãn hiệu phim cách nhiệt đã phát huy tác dụng và được các chủ phương tiện lựa chọn như Vkool, 3M, Solar Master, LLumar…
Vấn đề còn lại là chủ phương tiện lựa chọn phim cách nhiệt phù hợp với điều kiện kinh tế, các tiêu chí phim đạt chuẩn có công bố các thông số kỹ thuật rõ ràng, đầy đủ; có thời gian bảo hành cao. Hiện một số loại phim cách nhiệt có thời gian bảo hành trên 10 năm. Cũng cần lưu ý, dù đã có phim cách nhiệt, phương tiện cần được bảo quản cẩn thận khi để ngoài trời: có bạt phủ xe, tấm phản quang chắn kính lái và hạ kính xuống một chút nếu đậu xe lâu dài ngoài trời nóng.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.